Trẻ ở tuổi mầm non thường dễ mắc những bệnh thông thường khi bước ra khỏi môi trường gia đình. Đây là biểu hiện rất bình thường ngay cả đối với người lớn khi tiếp xúc với môi trường mới chứ không riêng gì với trẻ. Để giúp phụ huynh hiểu rõ thêm khuynh hướng tự nhiên này và biết cách ứng xử mỗi khi con em mình mắc phải một số bệnh thường gặp, trong Hội thảo về Nuôi dạy thường kỳ, Hệ thống trường Mầm non Quốc tế Kindy City, vinh hạnh kết nối với chuyên viên bậc cao về Y học chứng cứ – Bác sĩ Nguyễn Trí Đoàn – Trưởng khoa Nhi, Phòng Khám Đa khoa Quốc tế Victoria Healthcare, chia sẻ với hơn 300 phụ huynh về chủ đề “Cách phòng tránh những bệnh thường gặp ở trẻ mầm non”.
Chuyên viên bậc cao về Y học chứng cứ – Bác sĩ Nguyễn Trí Đoàn – Trưởng khoa Nhi, Phòng Khám Đa khoa Quốc tế Victoria Healthcare chia sẻ tại hội thảo.
Theo Bs Trí Đoàn, trong số các bệnh trẻ hay gặp phải, Nhiễm khuẩn là bệnh mà phụ huynh thường lo lắng nhất. Thông qua các tác nhân là vi khuẩn/ siêu vi lây trực tiếp hoặc gián tiếp qua tiếp xúc khi có bé ho, hắt hơi, sổ mũi, ói, tiêu chảy v.v… Các dịch tiết phát ra đều có khả năng chứa các mầm bệnh và bám trên các vật dụng thông thường ở xung quanh trẻ. Và khi trẻ khác đụng tay vào hay đưa tay vào mắt/ mũi/ miệng, thì siêu vi có khả năng sẽ xâm nhập vào cơ thể trẻ. Đây là khuynh hướng bình thường.
Hai vấn đề được phụ huynh chú ý nhiều và nêu ra cho chuyên gia là: (1) trẻ có khả năng kháng lại môt số bệnh, nhưng sao trẻ cứ thường bị ho cảm, viêm họng hay mắc chứng viêm hô hấp v.v… (2) Để trẻ ít bị bệnh tấn công, có nên tự chăm trẻ ở nhà tới khi trẻ khoảng 5 tuổi, đủ cứng cáp rồi thì mới cho trẻ tiếp xúc nhiều hơn với xung quanh?
Theo chuyên gia, chỉ riêng về ho, cảm, có đến gần 200 loại siêu vi gây ra chứng này. Mỗi khi tiếp xúc với một loại siêu vi, thì trẻ có thêm khả năng đề kháng với loại siêu vi đó mà thôi. Thông thường, với trẻ dưới 6 tuổi, bình quân mỗi tháng bé sẽ có một đợt ho và mỗi đợt có thể kéo dài đến 2 tuần. Tuy nhiên, trẻ vẫn chơi được bình thường dù đang mắc bệnh. Nhưng nếu trẻ tỏ ra mệt mỏi, yếu người thì nên cho trẻ ở nhà để tiện chăm sóc. Trẻ bị bệnh nhiều, thì cơ thể tăng sức đề kháng và dần dần về sau sẽ bớt nhiễm bệnh đi. Vì vậy, nếu phụ huynh cho trẻ tiếp xúc với nhiều siêu vi cùng một lúc như khi trẻ bị cảm, ho, sổ mũi mà vẫn đi học chẳng hạn, trẻ vẫn tiếp xúc với xung quanh nhiều hơn và đo đó, sức đề kháng sẽ tăng lên nhiều.
Tại trường Kindy City, trẻ tham gia các hoạt động không những giúp phát triển kỹ năng vận động thô – vận động tinh, mà còn giúp trẻ tăng cường sức đề kháng của cơ thể.
Cũng theo chuyên gia, kết quả của một nghiên cứu của Canada được thực hiện trong 8 năm, trên trẻ ở độ tuổi nhà trẻ đến tiểu học, cho thấy rằng, trẻ đi nhà trẻ sớm – trước 3 tuổi, thì khi đến tuổi tiểu học, các em sẽ ít bị nhiễm bệnh hơn (ở các chứng như ho, sổ mũi, viêm tai giữa, viêm phổi) so với những trẻ đi học muộn sau 3 tuổi. Và đây là cơ hội tôi luyện cho trẻ có sức chiến đấu với bệnh sau này. Vì vậy, theo chuyên gia, phụ huynh không nên quá lo lắng về các bệnh thông thường có thể lây lan trong nhà trẻ, mà xem đây là cơ hội để trẻ sau này khi vào bậc tiểu học, sẽ được khỏe mạnh hơn, cứng cáp hơn và không phải nghỉ học vì những bệnh vặt nữa.
Dưới đây là 6 bước giúp trẻ phòng ngừa các bệnh nhiễm khuẩn
- Uống đủ nước theo nhu cầu của trẻ (bú mẹ, uống nước dừa, uống Oresol).
- Chích ngừa đầy đủ (chích đầy đủ theo lịch đầy đủ các loại vaccine cùng lúc, chích ngừa khi đi khám và nên mang theo sổ theo dõi chích ngừa, vẫn chích ngừa khi đang bị cảm, tiêu chảy, uống kháng sinh, dị ứng v.v… Những vaccine hay bị bỏ sót là: cúm mùa, phế cầu PCV – pneumococcal conjugate vaccine). Nhờ vào sổ theo dõi chích ngừa, bác sĩ sẽ hiểu rõ hơn tình tình sức khỏe của bé để có được phương thức điều trị phù hợp.
- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hay nước sát khuẩn.
- Che miệng đúng cách khi ho hay hắt hơi (không sử dụng bàn tay để che miệng bởi bàn tay chính là “cầu nối” đưa siêu vi vào cơ thể gây bệnh. Nên che miệng bằng khuỷu trong của tay, bởi hiếm có khi nào khuỷu tay chạm vào các đồ vật gây bệnh, do đó, hạn chế được đường lây của siêu vi.
- Tránh khói thuốc lá.
- Nhà trường và phu huynh thường xuyên vệ sinh vật dụng của trẻ bằng chất diệt khuẩn.
Mời Quý phụ huynh xem thêm TẠI ĐÂY giải đáp của các chuyên gia Kindy City về những thắc mắc trong quá trình chăm sóc nuôi dạy trẻ.