Những kiến thức quý báu về tâm lý trẻ mầm non theo từng độ tuổi và cách cha mẹ ứng xử, định hướng đúng đắn để con phát triển lành mạnh đã được Tiến sĩ Giáo dục học Nguyễn Thị Bích Hồng – Giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP HCM gửi gắm đến phụ huynh Trường Mầm non Quốc tế KINDY CITY trong hội thảo sáng 18-5 tại cơ sở Lê Quý Đôn (Thủ Đức).
Tâm lý trẻ em là gì
Trước lo lắng của nhiều phụ huynh về việc con mình ở tuổi nhà trẻ chậm nói, TS Bích Hồng mách bảo cha mẹ cần thường xuyên trò chuyện, giao tiếp với con nhằm cung cấp vốn từ vựng phong phú cho bé. Cha mẹ phải khuyến khích trẻ nói ra nhưng không nên thúc ép, không nói thay trẻ. Mặt khác, cần lắng nghe con và nói thật chậm để trẻ có thể tiếp thu nội dung hiệu quả nhất.
Đối với trẻ lên 3, do đã biết đi, biết nói và sử dụng công cụ nên giảm dần phụ thuộc vào người lớn, từ đây xuất hiện ý thức về cái tôi và hành động chống đối. Nếu cha mẹ hiểu được tâm lý con, tạo điều kiện cho bé sử dụng công cụ, hướng dẫn thao tác an toàn, trẻ sẽ hình thành khả năng tự kiểm soát, tự điều chỉnh và đưa ra quyết định; quan trọng hơn là trẻ có thể nhận biết được khả năng của bản thân. Ngược lại, nếu cha mẹ không tin tưởng giao việc, con dễ phát sinh cảm giác xấu hổ, không tin vào bản thân mình.
TS Bích Hồng cũng cho hay ở trẻ mẫu giáo – lứa tuổi hình thành nhân cách, các con đã biết hành động hướng đích và phát triển tình cảm cấp cao trên 3 phương diện: đạo đức, trí tuệ, tình cảm – thẩm mỹ. Ở giai đoạn này, cha mẹ cần giúp con khám phá thế giới bằng cách khuyến khích các câu hỏi và cố gắng giải đáp hợp lý, đồng thời, khen ngợi xứng đáng. “Khi được yêu thương, thấu hiểu, đáp ứng và thừa nhận, trẻ mầm non sẽ phát triển một cách tốt nhất”, TS Bích Hồng khẳng định.