Nhân cách của trẻ bắt đầu hình thành từ gia đình và tiếp tục phát triển ở nhà trường, từ tất cả những gì tác động đến trẻ. Quá trình giáo dục nhân cách liên quan đến nhiều mặt- từ sự hiểu biết, tình cảm đến hành động. Do vậy để trẻ hình thành những cư xử đúng đắn thì nhà trường phải trở thành nơi ươm mầm và tạo ra những hành vi mẫu mực, nhân ái, thể hiện những giá trị sống chuẩn mực làm kim chỉ nam cho mọi cư xử của trẻ về sau. Theo quan niệm này thì “học để làm người, để cư xử tử tế” có tầm quan trọng chẳng kém, hay thậm chí lớn hơn cả việc tiếp thu tri thức khoa học.
Nhà hoạt động xã hội Hoa Kỳ Martin Luther King cũng tán đồng: hai mục tiêu tối hậu của một nền giáo dục chân chính là: “Trí tuệ cộng Nhân cách”(Intellegence plus Character).
PHƯƠNG CHÂM RÈN LUYỆN L.O.V.E
Nhân cách không hình thành trong một ngày, một tuần hay một năm, mà cả quá trình kéo dài suốt đời sống của trẻ. Ở tuổi mầm non, trẻ tiếp thu các giá trị sống, phát triển tình cảm và thường hành động theo những gì các em tiếp nhận trực tiếp từ môi trường học tập, từ các hành vi, cư xử của người lớn – của thầy cô giáo và từ những tương tác của bạn bè. Do vậy, để tạo ra một môi trường cổ vũ cho việc hình thành và phát triển nhân cách tích cực, phương châm rèn luyện chung cho nhà trường là: Hành xử (LIVE) với những Giá trị mình trân quý (OUR VALUES) trong mọi hoạt động ngày mỗi ngày (EVERYDAY)
LIVE OUR VALUES EVERYDAY – L.O.V.E.