Nếu người lớn chúng ta cảm thấy tù túng, buồn chán khi bị giam chân ở nhà lâu ngày do dịch bệnh, thì con trẻ chưa hiểu chuyện đôi khi lo lắng và trở nên sợ hãi.
Do đó, Bộ Y tế đã phối hợp với Văn phòng Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam đưa ra khuyến cáo về cách giảm thiểu các căng thẳng, lo lắng trong mùa dịch COVID-19.
Theo đó, trẻ em có thể phản ứng với sự căng thẳng theo nhiều cách khác nhau, như trở nên đeo bám, lo lắng, thu mình, tức giận hay dễ bị kích động hơn, hoặc thường xuyên tè dầm…
Lúc này, cha mẹ đừng la mắng mà hãy cảm thông với con trẻ bằng cách lắng nghe, nhẹ nhàng trấn an bé và thể hiện tình yêu thương và sự quan tâm con hơn nữa.
Mặt khác, phụ huynh nên tạo điều kiện cho trẻ vui chơi và cả nghỉ ngơi tại nhà bằng cách lên kế hoạch và duy trì lịch trình hoạt động hàng ngày, hoặc tạo ra những lịch trình mới mẻ để bé hứng thú học tập và giải trí an toàn.
Thời gian này, cha mẹ không quên duy trì cho con lối sống lành mạnh – bao gồm chế độ ăn, ngủ, tập thể dục hợp lý và duy trì các mối quan hệ của bạn bè, thầy cô mà trẻ yêu quý tại nhà qua điện thoại, internet.
Cố gắng thu xếp cho trẻ ở gần cha mẹ và gia đình, tránh việc chia cách trẻ với người chăm sóc. Nếu phải chia tách (như phải nhập viện), hãy đảm bảo có sự liên hệ thường xuyên để trấn an trẻ.
Hãy nói thật với bé về việc đã xảy ra, dùng từ ngữ phù hợp với lứa tuổi bé để giải thích cho con biết việc gì đang diễn ra, kèm theo những thông tin rõ ràng về cách thức để giảm các nguy cơ bị nhiễm bệnh. Ví dụ, ba mẹ có thể đưa ra tình huống một thành viên gia đình bị ốm và phải vào bệnh viện một thời gian để các bác sĩ chăm sóc.
(Theo Bộ Y tế)