Xin chào chuyên gia, nhà tôi chỉ có 1 cháu trai 4 tuổi, ở chung với ông bà nên được ông bà rất cưng chiều. Thời gian gần đây bé có tật hay ăn vạ với bố mẹ. Khi bố mẹ yêu cầu hoặc từ chối nhũng gì bé không vừa ý thì bé ăn vạ ngay. Mong các chuyên gia chỉ giúp vợ chồng tôi cách từ chối làm sao để bé hiểu và làm sao để bé bỏ tật ăn vạ này. Xin cám ơn
Giáo dục trẻ con cần thiết phải có sự đồng thuận và thống nhất của những người cùng chăm sóc. Vì vậy, cha mẹ và ông bà cần hỗ trợ lẫn nhau khi giáo dục trẻ, tránh trường hợp mâu thuẫn trong phương pháp dạy con cháu dẫn đến những nét tính cách tiêu cực ở trẻ. Bé được ông bà đáp ứng ngay nhu cầu trong khi cha mẹ lại đôi lúc ngăn cản khiến trẻ có thể lợi dụng sự nuông chiều của ông bà để thỏa mãn mong muốn. Tuy nhiên trẻ chỉ dùng chiêu trò ăn vạ để được thỏa mãn mong muốn khi người lớn đã không cương quyết từ chối hoặc nghiêm trị tính “mè nheo”của trẻ. Vì vậy, trước tiên người lớn nên thỏa thuận cách ứng xử với thái độ “ làm nư” này của bé. Khi trẻ khóc lóc đòi được đáp ứng mong muốn, cha mẹ và ông bà không nên vội dỗ dành, chỉ yêu cầu trẻ nín khóc và nói rõ ý muốn . Ở những lần đầu tiên, khi trẻ chịu nín khóc và trình bày mong muốn, người lớn nên đáp ứng để trẻ nhận ra việc bình tĩnh đối thoại sẽ được lợi hơn là khóc nhè. Nếu trẻ không chịu nín khóc, người lớn có thể nhẹ nhàng nói “chừng nào con nín khóc thì ba mẹ sẽ nói chuyện với con” và tỏ ra bận rộn với việc khác, không quan tâm đến trẻ cho dù trẻ gào khóc to hơn. Trường hợp trẻ kêu la kéo dài, người lớn có thể làm cho trẻ quên việc ăn vạ bằng cách “đánh trống lãng”, hướng trẻ chú ý đến việc khác thú vị hơn. Sau khi giúp trẻ ổn định tâm trạng, cha mẹ có thể ôn tồn giải thích sự bất lợi khi trẻ cứ khóc lóc và chỉ dẫn cho trẻ cách thuyết phục khác hiệu quả hơn.
Nguyễn Thị Bích Hồng – TS Giáo dục học
Please login or Register to submit your answer