Bạn phát hiện đứa con nhỏ của mình cực kỳ thích vẽ, chơi lego, nhạc cụ hay môn thể thao nào đó hàng giờ và tự hỏi liệu đó có phải năng khiếu của bé hay không?
Chưa cần những bài tập cao siêu hay những bài kiểm tra IQ, nếu chịu khó quan sát con kỹ lưỡng, phụ huynh có thể phát hiện ra con mình đang có năng khiếu ở lĩnh vực nào với dấu hiệu sau:
– Khả năng đọc hiểu các tầng nghĩa: Đứa trẻ có năng khiếu thường đọc được hai hoặc nhiều tầng nghĩa trong một câu, hiểu được rộng rãi lĩnh vực hoặc hiểu sâu về một chủ đề cụ thể.
– Sử dụng sớm từ vựng cấp cao: Bé diễn đạt suy nghĩ của mình một cách dễ dàng và rõ ràng.
– Lưu giữ nhiều thông tin khác nhau: Một đứa trẻ có năng khiếu thường khiến ba mẹ, thầy cô ngạc nhiên khi giải mã thông tin mới một cách nhanh chóng và ghi nhớ các chi tiết trong thời gian dài.
– Khả năng tập trung cao độ: Bé có thể hoàn toàn bị cuốn vào chủ đề quan tâm mà không biết gì về những sự kiện đang diễn ra quanh mình
– Tò mò, quan sát nhạy bén: Nhận thức sâu sắc về bản thân và môi trường là dấu hiệu điển hình của một đứa trẻ có năng khiếu. Con có thể kiên trì theo đuổi loạt câu hỏi liên quan để khai thác về chủ đề mình quan tâm.
– Xử lý thông tin phức tạp: Bé nhận thức các mối quan hệ, hiểu được ý nghĩa và xử lý một lượng lớn thông tin.
– Khả năng suy nghĩ trừu tượng và sáng tạo tuyệt vời: Trẻ có thể đưa ra các tình huống từ các góc nhìn khác nhau, khám phá các phương pháp thay thế và tạo ra sản phẩm mới.
– Cảm thụ nhạy bén và hưởng ứng mạnh mẽ với âm nhạc: Bé tiếp thu nhanh chóng các giai điệu, bài hát và thể hiện lại hết sức chính xác.
– Khả năng lãnh đạo: Trẻ thường đảm nhận vai trò lãnh đạo trong nhiều hoàn cảnh và bối cảnh khác nhau.
Khi phát hiện ra năng khiếu của con, cha mẹ hãy tạo điều kiện cho trẻ phát triển mạnh mẽ khả năng đặc biệt của mình bằng cách xây dựng lịch trình riêng biệt nhằm kích thích trí tưởng tượng, sáng tạo, giúp bé học hỏi và mở rộng vốn hiểu biết về lĩnh vực đó. Mặt khác, phụ huynh nên khuyến khích sự tự lập, chủ động của con, chứ không nên áp đặt trẻ trong mọi hoàn cảnh.
Quan trọng nhất là gia đình phải kiên nhẫn lắng nghe, ủng hộ những ý tưởng khác biệt của bé, đôi khi có phần “điên rồ” so với bạn bè cũng trang lứa.