Lớp học là nơi bận rộn mà trẻ học hỏi nhiều điều kể cả các kỹ năng tình cảm- xã hội, chẳng hạn như cách thức bộc lộ cảm xúc, hay hợp tác với bạn học trong một dự án. Sau đây là những gợi ý giúp cho phụ huynh giúp con mình phát triển các kỹ năng tình-cảm xã hội ở nhà.
Sử dụng con rối
Thầy cô giáo đôi khi sử dụng các con rối để chuyện trò với trẻ về các tình huống xung đột nhằm giúp trẻ suy nghĩ về cách xử lý; do đó, gia đình cũng có thể sử dụng kỹ thuật này tại nhà. Con rối là cách khá hữu dụng để giới thiệu cho trẻ các từ ngữ miêu tả tình cảm như vui, buồn, giận và trẻ cũng đôi khi chuyện trò với con rối về cảm xúc của mình. Con rối cũng hữu dụng trong các cuộc thảo luận về các đề tài mang tính thách thức, chẳng hạn như đi ngủ đúng giờ v.v…
Nói ra suy nghĩ của mình
Khi phụ huynh nói ra những suy nghĩ của mình trẻ sẽ hiểu được cách thức mà cha mẹ đương đầu và xử lý những khó khăn như thế nào. “Ái chà, cái túi để đựng đồ mà mình ưa thích bị thủng mất một lỗ rồi. Mình nên lấy một cái bao khác để đi chợ thôi.”
Đọc chuyện cho trẻ trước lúc ngủ
Điều diệu kỳ của cái thói quen cuối ngày này ở chỗ đấy là thời điểm lý tưởng nhất để nói về cảm xúc. Bạn hãy thảo luận với trẻ về các nhân vật và sự kiện trong câu chuyện đọc. Mời gọi trẻ chia sẻ suy nghĩ và cảm xúc bằng cách nêu ra những câu hỏi: “Con nghĩ ông ấy nên làm gì? Con nghĩ cô bé đó cảm thấy thế nào? Nếu là nhân vật kia, con sẽ làm sao?”
Cùng làm việc với con.
Thay vì sai bảo con làm một công việc nào đó, bạn hãy cùng làm với con. Cả mẹ/ bố và con có thể xếp áo quần đã giặt giũ, bày đặt bàn ăn, cào lá khô hay sơn phết một bức tường. Giúp con tham gia công việc bằng cách cắt ngắn cán chổi cho vừa tay, hoặc mua sắm các loại chổi sơn hay cây sơn lăn cở nhỏ dành cho trẻ em.
Chơi game
Chơi đánh bài, các trò phóng phi tiêu hay ngoài trời chẳng hạn như chơi đuổi bắt, ô lò cò đều đem lại nhiều cơ hội sẵn có giúp cho trẻ học tập cách luân phiên, hợp tác, kiềm chế bức xúc và nhiều kỹ năng khác nữa. Khi cùng chơi với trẻ, bạn hãy tập trung vào niềm vui là chính thay vì kết quả ai thắng ai thua.
Ngăn chặn những phiền toái có thể xảy ra
Trước khi có một bạn đến chơi, hãy giúp trẻ thu xếp đồ chơi mà trẻ không muốn chia sẻ cho ai khác. Trước khi đón xe buýt đi sở thú, bạn có thể giải thích cho trẻ từng bứớc một tuần tự việc phải làm: “Mẹ/Bố con mình sẽ chờ 5 phút ở trạm xe buýt. Sau đó sẽ lên xe và cùng ngồi bên nhau ngắm cảnh trên đường đi trong khoảng 30 phút nhé. (Bạn có thể giải thích thêm rằng thời gian này bằng khoảng xem một đoạn phim ngắn hay một show truyền hình nào đó mà bé ưa thích). Rồi mình sẽ đi bộ qua 3 góc phố mới đến sở thú và mình sẽ xem chuồng sư tử trước hết nhé!” Trong suốt chuyến đi, bạn nên luôn nhắc trước cho trẻ các diễn biến sắp tới.