“Thưa cô, vừa nãy bạn Bun lau tay bằng 5 tờ giấy, đổ xà phòng xuống bồn, vặn nước ra chơi” – một bạn trai từ WC hớt hải trình báo với cô giáo của Trường Mầm non Quốc tế KINDY CITY.
Chờ Bun vệ sinh xong, cô trò chuyện riêng với bạn ở góc phòng. Cô nhẹ nhàng cho các con xếp hàng ngay ngắn trước phòng vệ sinh và bản thân thực hành về việc rửa, lau tay cho cả lớp xem. “Rửa tay sạch sẽ xong, chúng ta vặn vòi nước lại ngay và chỉ 1-2 tờ giấy đã đủ lau sạch tay rồi. Các con nhớ chưa?” – cô giáo dặn dò.
Cô giáo lý luận dễ hiểu về lý do tiết kiệm: “Nếu hết, người sau sẽ không còn để dùng”. Cô cũng nêu những hành động tiết kiệm các con nên thực hiện tại nhà như: Không bỏ phí thức ăn, tắt điện khi không dùng đến, không đòi hỏi ba mẹ mua đồ chơi vô bổ v.v…
Tại nhiều nước, đặc biệt Nhật Bản, tiết kiệm được cho là mỹ đức giúp trẻ hình thành phẩm chất, nhân cách lành mạnh. Nhờ đó, trẻ lớn lên trong sự biết ơn, trân quý cuộc sống.