Chào cô Hồng, Vợ chồng tôi là người luôn bận rộn vì công việc, chỉ có cuối tuần mới có nhiều thời gian cho con (con tôi năm nay 4 tuổi). Tuy nhiên vì tính chất công việc, tôi cũng thường làm việc cuối tuần ở nhà. Đôi khi tôi có nhiều việc phải làm nhưng bé cứ bám lấy tôi và “mẹ ơi ra chơi với con đi” “mẹ ơi hay mình đi siêu thị nhé”. Cô Hồng chỉ giúp tôi cách từ chối mà khiến trẻ không bị tổn thương với? Hoặc có hoạt động nào dành cho bố mẹ với con mà tôi vẫn đảm bảo được công việc của mình? Cám ơn cô nhiều
Trước tuổi đi học, trẻ em phát triển tâm lý và tình cảm chủ yếu trong môi trường gia đình và hoạt động vui chơi. Nhu cầu tương tác với cha mẹ – đặc biệt là người mẹ – rất cao và chỉ giảm dần khi trẻ bước vào tiểu học. Sự bận rộn với công việc của cha mẹ thường khiến trẻ cảm thấy “đói” giao tiếp và bất an trong quan hệ mẹ-con. Vì vậy các bé thường tranh thủ “quấn” lấy cha mẹ mọi lúc mọi nơi.. Để thúc đẩy sự phát triển tâm lý của con, dù bận rộn, cha mẹ nên sắp xếp công việc để có nhiều thời gian cho con hoặc luôn tạo cho trẻ cảm giác an toàn khi không có cha mẹ bên cạnh. Cha mẹ có thể khẳng đình sự gắn bó bằng cách giải thích rằng “ba mẹ đang làm việc để kiếm tiền mua sữa, mua đồ chơi cho con, chứ không phải ba mẹ ít thương con. Ba mẹ cũng nhớ con, cũng muốn đi chơi với con lắm.., con ngoan thì ba mẹ làm việc giỏi có nhiều tiền dắt con đi chơi nhé!”.. Nếu cha mẹ không thể thể hiện tình cảm bằng cách đưa con đi chơi bên ngoài thì có thể tạo sự gần gũi, gắn bó với con bằng cách sử dụng lời nói yêu thương khi trò chuyện với con và cho trẻ cùng phụ nấu ăn, làm vườn, làm đẹp đối với bé gái hay tạo “công chuyện” cho con giúp cha mẹ như xoa bóp, rót nước cho cha mẹ.
Nguyễn Thị Bích Hồng – TS Giáo dục học
Please login or Register to submit your answer