Cám ơn nhà trường và 2 chuyên gia. tôi có 3 vấn đề cần hỏi:
1/Con tôi 3 tuổi, đang học tại Kindy city. Bé theo đánh giá của Thầy Cô là một em bé tự lập nhưng đôi khi bướng bỉnh. Bản thân tôi muốn bé là một cô gái tự lập, có chính kiến riêng, cho nên tôi không bao giờ ép buộc bé làm theo ý muốn của bản thân tôi. Tôi biết bé có chút bướng bỉnh, nhưng đó rõ ràng là ý muốn của bé và điều bé muốn cũng không phải là nguy hiểm hay gây hấn với người khác. chỉ là bé không thích làm theo ý muốn của người lớn mà thôi. vậy liệu việc tôi cho phép bé bướng bỉnh như vậy là đúng hay sai?
2/ Tôi thấy hiện tại các bậc phụ huynh cho các bé 3-4 tuổi đi học khá nhiều môn năng khiếu khác nhau như bơi, nhảy, patin, đàn, hát, võ thuật, cờ vua, cờ tướng .v.v tôi không biết việc học các môn năng khiếu thế ở lứa tuổi này là đúng hay sai? vì có lần tôi đọc được tư tưởng của chủ tịch tập đoàn Sony, đại khái là “nếu muốn còn đá bóng giỏi, kéo đàn hay thì dạy cho bé trước khi lên 6, còn sau đó thì để bé tự do phát triển”. nhưng liệu học thì học cái gì là phù hợp? tôi nghĩ chắc cũng phải cho bé học qua hết rồi xem bé hứng thú với điều gì thì mình chi bé theo tiếp. không biết như vậy có được không?
3/ Tôi thấy bản thân là một người thiếu kiến thức tài chính, vì khi còn nhỏ ba mẹ tôi không dạy tôi cách quản lý tài chính (mà có lẽ cũng không biết dạy như thế nào). Tôi không muốn con mình cũng vậy. Do đó tôi cũng định tìm phương pháp phù hợp để dạy cho bé về tiền bạc. Cách suy nghĩ đúng về đồng tiền. Không biết hai vị chuyên gia có thể chia sẽ một chút về quan điểm của hai vị cách dạy về tiền đúng đắn cho trẻ 3 tuổi không a?
—–
Rất cám ơn hai vị chuyên gia và nhà trường. Hy vọng nhận được câu trả lời của hai vị.
Lê Thị Minh Nguyệt
email: anna.minh2008@gmail.com
Chào chị Minh Nguyệt,
Tôi xin được lần lượt giải đáp đáp các băn khoăn của chị nhé:
1/ Trẻ 3 tuổi bắt đầu ý thức về cái tôi, thích được làm theo ý muốn của bản thân, thường hay bướng bĩnh, chống đối những yêu cầu của người lớn.. Đó là biểu hiện bình thường, có ý nghĩa tích cực, thể hiện cháu đang phát triển tâm lý phù hợp với lứa tuổi. Trong giai đoạn này, nếu người lớn tỏ ra ép buộc, áp đặt trẻ phải tuân phục sẽ dẫn đến những phản ưng bất lợi như trẻ mất đi sự tự tin, trở nên nhút nhát, phụ thuộc và dễ khuất phục người khác.. hoặc ngược lại, trẻ sẽ nổi loạn, ươn bướng, khó bảo và quan hệ giữa người lớn với trẻ luôn căng thẳng, khó khăn. Vì vậy, người lớn cần linh hoạt trong thái độ.. Trước những ý muốn hợp lý của trẻ (thuộc quyền lợi của trẻ và không ảnh hưởng xấu, gây bất lợi đến người khác), người lớn cần tôn trọng, cho trẻ được thoả mãn..Trường hợp trẻ có những ý muốn không chính đáng, người lớn cần nghiêm khắc ngăn chặn. Ví dụ, trẻ đòi được chọn lựa, mặc trang phục ở nhà theo ý thích, trẻ muốn được chọn ăn món hợp khẩu vị của trẻ, cha mẹ nên hưởng ứng; nhưng nếu trẻ đòi mượn đồ chơi lạ , đắt tiền của Bạn về nhà.. Cha mẹ dứt khoát không chấp nhận. Nhờ vậy trẻ biết giới hạn lòng ham muốn và giữ được tính độc lập của bản thân.
2/ Trẻ em cần được tham gia nhiều hoạt động đa dạng để có cơ hội bộc lộ tiềm năng. Nhờ vậy, có thể nhận biết và phát huy tối đa năng lực của bản thân khi đến tuổi trưởng thành. Tùy theo khả năng và tính cách, trẻ có thể tham gia rèn luyện hiệu quả ở những loại hình hoạt động tương ứng. Những trẻ có tính hướng ngoại thường hiếu động, yêu thích và phát triển nhanh hơn trong các hoạt động ngoài trời, có tính vận động, sinh hoạt tập thể.. Trẻ hướng nội phù hợp hơn với những hoạt động có tính cá thể, trầm lặng, nhẹ nhàng, ít vận động như vẽ, đánh đàn, chơi cờ… Một số trẻ được phát hiện năng khiếu từ nhỏ giúp cho phụ huynh dễ dàng định hướng và tập trung đầu tư cho trẻ. Khi chưa nhận dạng tính cách và khả năng của con, các phụ huynh có thể để trẻ được thử nghiệm trên nguyên tắc cho trẻ được chủ động lựa chọn môn năng khiếu để tập luyện, không áp đặt ý muốn của người lớn đối với trẻ và bảo đảm rằng các hoạt động mang lại niềm vui và sự phát triển lành mạnh cho trẻ. Xét đến cùng, mọi trải nghiệm thành công hay thất bại đều trở nên hữu ích cho trẻ sau này. Vì vậy, nếu có điều kiện thuận lợi, phụ huynh nên cho trẻ được rèn luyện đa dạng.
3/ Sử dụng tiền bạc cũng là một kỹ năng sống cần thiết cho trẻ. Thông thường trẻ 3 tuổi chưa cần trực tiếp giao dịch qua tiền mặt, nhưng trẻ có thể cảm nhận dần dần giá trị của đồng tiền, cách thức chi tiêu hợp lý từ cách thức sử dụng đồng tiền của người lớn trong gia đình. Trẻ sẽ cảm nhận sự tiết kiệm, dè sẻn nếu cha mẹ thường cân nhắc mỗi khi mua sắm. Trẻ sẽ học được cách cất giữ tiền bạc từ sự cẩn thận lưu giữ tài chính của cha mẹ.. Người lớn luôn là hình mẫu để trẻ mẫu giáo bắt chước, noi theo. Ngoài ra, trẻ mẫu giáo từ 3-6 tuổi có thể học hỏi qua hình thức vui chơi.. Trong chương trình giáo dục ở nhà trường, trẻ cũng được hướng dẫn cách trao đổi, mua bán hàng hóa và chi trả thông qua các trò chơi sắm vai người mua hàng, người bán hàng.. Vì vậy ở nhà, phụ huynh cũng có thể hướng dẫn trẻ dưới hình thức vui chơi một cách nhẹ nhàng.. ( cho con nhận biết, phân loại tiền theo màu sắc, hình ảnh.., nếu cháu vào lớp lá có thể cho con tập đếm số tờ.. và lưu ý giữ vệ sinh cho bé khi tiếp xúc với tiền thật). Việc giao dịch bằng tiền bạc có thể hướng dẫn cho trẻ chậm hơn, khi cháu vào bậc Tiểu học..và sau đó sẽ tập luyện việc quản lý tài chính cho trẻ ( từ khi cháu vào bậc trung học) bằng cách chu cấp tiển cho trẻ theo định kỳ để trẻ tự cất giữ và chủ động chi tiêu theo nhu cầu cá nhân. Qua đó,phụ huynh có thể hướng dẫn, gợi ý cho trẻ biết để dành tiền và có kế hoạch đầu tư, sử dụng số tiền dành dụm một cách hữu ích, lành mạnh.. Con cái thường trân trọng đồng tiền được tạo ra từ sự khó nhọc, khôn khéo của cha mẹ. Vì vậy người lớn cũng cần chia sẻ với trẻ nguồn gốc tài chính của gia đình cũng như công sức phải đổ ra để có được. Bên cạnh việc dạy trẻ quý trọng đồng tiền, phụ huynh cũng giúp trẻ hiểu được những điều quý giá thiêng liêng và tốt đẹp khác.
TS Giáo dục học – Nguyễn Thị Bích Hồng
Please login or Register to submit your answer