Vừa qua, đông đảo các bậc phụ huynh có con ở độ tuổi mầm non đã đến tham dự buổi Hội thảo về Nuôi dạy (Parenting Workshop) – một sinh hoạt tổ chức thường kỳ dành cho phụ huynh, xoay quanh chủ đề “Cha mẹ nên ứng xử trước nhu cầu của trẻ như thế nào?” tại các cơ sở của Hệ thống trường Mầm non Quốc Tế Kindy City.
Buổi chia sẻ đã thỏa đáp những thắc mắc của các bậc cha mẹ về các vấn đế về tâm lý của trẻ với những lời khuyên hữu ích từ Tiến sĩ Giáo dục học Nguyễn Thị Bích Hồng – Giảng viên trường Đại học Sư Phạm TP.HCM.
Theo TS Bích Hồng, biểu hiện của trẻ hôm nay chính là sự kết tụ của một quá trình trước đó. Ngay từ khi là thai nhi, trẻ đã có những tiếp nhận từ cha mẹ: không chỉ về mặt cơ thể mà còn về mặt tâm lý.
Bốn nhu cầu tâm lý cơ bản mà trẻ cần được đáp ứng là: được yêu thương, được thấu hiểu, được đáp ứng và được thừa nhận.
1. Nhu cầu được yêu thương của trẻ
Phụ huynh cần sử dụng những ngôn từ yêu thương thông qua:
– Lời yêu thương dành cho trẻ (qua việc trò chuyện với trẻ và xoa bụng mẹ khi trẻ còn là thai nhi và nói những lời ngọt ngào khi trẻ lớn hơn; qua đó tập cho trẻ nói và cảm hiểu được sắc thái yêu thương đó)
– Cử chỉ thân mật: nựng nịu/ giỡn với trẻ
– Tặng quà cho trẻ
– Chăm sóc trẻ với cả tinh thần trách nhiệm
– Dành thời gian cho trẻ
Điều phụ huynh thường mắc phải chính là che dấu cảm xúc; bộc lộ cảm xúc phiến diện, chủ yếu là cảm xúc âm tính – những cảm xúc buồn bực/ khó chịu; gieo cho trẻ quan niệm cực đoan: như “Thương cho roi, cho vọt” / “Đàn ông con trai xúc động là yếu đuối” / “Bày tỏ tình cảm bằng lời lẽ là sến”… theo đó, vô tình, phụ huynh “ém” trẻ, làm trẻ phát triển không hài hòa.
Phụ huynh cần bộc lộc các loại cảm xúc mà mình có khi tiếp xúc với trẻ, bởi qua đó trẻ dễ dàng, tự nhiên tiếp nhận và có kinh nghiệm để biết cách bộc lộ cảm xúc với người khác.
2. Nhu cầu được thấu hiểu
Phụ huynh cần có thái độ đồng cảm và kiên trì mới thỏa đáp nhu cầu được thấu hiểu của trẻ.
Điều phụ huynh thường mắc phải chính là không lắng nghe và áp đặt kinh nghiệm chủ quan của mình lên trẻ.
3.Nhu cầu được đáp ứng
- Với tuổi sơ sinh: trẻ có nhu cầu lớn về tâm lý, đặc biệt là nhu cầu giao lưu xúc cảm với người lớn.
- Trong tuổi nhà trẻ: trẻ có nhu cầu học cách sử dụng, thao tác với đồ vật và cần phát triển ngôn ngữ trong giai đoạn này.
- Ở tuổi mẫu giáo: ngoài việc đùa chơi với đồ vật, vật dụng, trẻ có nhu cầu được vui chơi nhiều hơn. Trẻ học qua chơi và chơi để học. Vui chơi được xem là nhu cầu tâm lý của độ tuổi này.
Nếu hoạt động vui chơi được hỗ trợ và tổ chức tốt thì trẻ sẽ rất chủ động và sáng tạo. Nhờ đó, trẻ khám phá ra khả năng mình và trở nên tự tin hơn. Ngược lại, trẻ bị hạn chế vui chơi, thì lớn lên sẽ trở nên e dè hoặc ương bướng.
Với trẻ ở độ tuổi mầm non, phụ huynh cần:
- Tạo điều kiện cho trẻ tiếp xúc và sử dụng đồ vật một cách an toàn.
- Hỗ trợ, hướng dẫn trẻ thao tác phù hợp.
- Có thái độ cương – nhu đúng lúc (những vật dụng nguy hiểm thì phụ huynh không bao giờ chiều trẻ)
4.Nhu cầu được thừa nhận
Trẻ thường được cảm thấy được thừa nhận khi trẻ có điều kiện thể hiện và cha mẹ cho trẻ cơ hội đó.
Trẻ nên được khen khi làm tốt một điều gì. Khi làm chưa tốt, trẻ vẫn có thể có cơ hội được thừa nhận nếu như phụ huynh tiếp tục động viên trẻ. Làm như thế, phụ huynh đang thực sự giúp con mình nâng cao lòng tự trọng.
Đôi điều phụ huynh thường mắc phải là:
– Ngăn cản trẻ thể hiện
– Không quan tâm chuyện trẻ muốn được thừa nhận, cho nên đôi khi không hay quên đưa ra nhận xét về những điều trẻ làm.
– Đòi hỏi cao và thậm chí tỏ ra không hài lòng về những điều trẻ làm được.
Hiểu về “Nhu cầu tâm lý con trẻ” vừa là nhu cầu, vừa là điều kiện tiên quyết để nuôi dạy trẻ tốt.
Chương trình Hội thảo Nuôi dạy (Parenting Workshop) là sinh hoạt thường kỳ tại Hệ thống Trường Mầm non Quốc tế KINDY CITY, nhằm cung cấp những kiến thức cần thiết và là cơ hội để mở rộng sự kết nối giữa Nhà trường và Gia đình, ngõ hầu mở rộng không gian giáo dưỡng vì sự lớn khôn, phát triển đúng cách của trẻ. |