Nhiệm vụ trọng tâm của người giáo viên mầm non không chỉ nằm ở khâu “giảng dạy” mà còn ở hoạt động “chăm sóc, nuôi dưỡng” trẻ nữa. Động lực bên trong, bao trùm lên mọi quá trình đầy nhọc nhằn này, chính là cái tâm – tấm lòng yêu thương trẻ nhất mực của các cô.
Ở bậc học này, ngày mỗi ngày trẻ ở bên cô chí ít là 8 tiếng đồng hồ. Trẻ được cô cho ăn, dỗ ngủ và dìu bước qua khắp chặng đường khai thức đầu đời như nhận biết về môi trường xung quanh, hình thành các kỹ năng sống cơ bản để tự chăm sóc mình và dần bước ra cái thế giới ngoài gia đình, ngoài lớp. Cô dồn không ít thời gian, tâm lực vào quá trình chăm sóc, tiếp sức cho các em không chỉ ở không gian lớp học; đúng hơn, cô vào vai “người mẹ thứ hai” ở “cái gia đình nối dài”.
Có thể nói, đòi hỏi cơ bản nhưng tuyệt đối nhất ở nghề “cô nuôi dạy trẻ” chính là tấm lòng yêu mến, tôn trọng và yêu thương các con chân thật. Yêu và tôn trọng trẻ không chỉ thể hiện qua lời nói, ngôn phong mà còn ở mọi hành vi, cử chỉ trong nuôi dạy. Lòng thương yêu của họ bị thách thức gần như thường trực bởi nhiều yếu tố xuất phát từ diễn biến tâm lý khác biệt và đa dạng của chính các em. Vì mỗi em, mỗi tính cách; và hơn ai hết, nếu không bằng tấm lòng “như mẹ hiền”, các cô khó vượt qua sự phiền muộn thường tình để rồi luôn miệt mài lao động trên một nguyên tắc nhất quán là: trẻ cần được hiểu, được tôn trọng, được thương yêu để luôn được thỏa vui, phát triển tri thức một cách tự nhiên và hình thành cách cư xử phải phép.
Ai cũng biết ở lứa tuổi này trẻ thường hành động nhiều phần theo bản năng – theo những gì bản thân trẻ muốn và hầu như chưa phân biệt được phải – trái. Do vậy, trong môi trường học tập của Trường mần non quốc tế KINDY CITY, các cô giáo luôn kiên nhẫn theo dõi những hành vi của trẻ, ghi nhận và đưa ra cho trẻ những định hướng trên nền hiểu biết và thói quen hành xử của các em, nhưng không áp đặt, bắt ép các em phải hành động theo mà tước đi cơ hội phát triển cũng như sức sáng tạo cá nhân. Theo đó, tôn trọng sự đa dạng trong ý kiến, suy nghĩ và thiên hướng của từng em cũng là một trong những nguyên tắc rèn luỵện và phát triển trẻ tại đây.
Ví von nguyên tắc này, tại đợt bồi dưỡng nghiệp vụ thường kỳ với chủ đề “Nâng cao kỹ năng phát triển tâm lý trẻ mầm non” vừa qua tổ chức tại trường, Tiến sĩ Nguyễn Thị Bích Hồng – Giảng viên trường Đại học Sư Phạm TP.HCM chia sẻ: “Nếu như người giáo viên được ví như đầu nhọn của chiếc compa, thì học trò sẽ như đầu chì vẽ. Nhiệm vụ của người thầy không phải là cùng với học sinh vẽ sao cho đường vòng được to, được lớn, sao cho trẻ sau này trở thành con người giỏi giang có thể làm được tất cả mọi việc; mà chính là vẽ sao cho vòng tròn được trọn vẹn nhất, sao cho trẻ trở thành con người hạnh phúc nhất”.
Từ 01/11 đến 01/12, Hệ thống Trường Mầm non Quốc tế KINDY CITY triển khai Chương trình QUÀ TẶNG HỌC ĐƯỜNG nhằm khuyến khích trẻ ghi danh sớm vào Chương trình Nuôi dạy tiên tiến Creative Curriculum. |